DÒNG ÂM NHẠC HÀN LÂM VIỆT NAM

Lê Y Linh[1]

Nhạc hàn lâm cổ điển châu Âu đã được lan tỏa trên thế giới với những quy trình xâm nhập khác nhau tùy vào hoàn cảnh lịch sử của mỗi quốc gia. Nền âm nhạc ấy đã được đưa vào nước ta trong quá trình thuộc địa hóa Đông Dương của Pháp từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Một nền tân nhạc Việt Nam cũng đã phôi thai từ cuối những năm 1930. Sau khi hòa bình về vào năm 1954, ở miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, ngoài sự phát triển theo cấp số nhân của ca khúc, chúng ta đã ghi nhận sự bắt rễ và phát triển mạnh mẽ của thể loại âm nhạc hàn lâm trong sinh hoạt âm nhạc Việt Nam (tác phẩm khí nhạc, giao hưởng, hợp xướng, ca khúc nghệ thuật…). Khác với các ca khúc mang tính năng xã hội bám sát đời sống, ngôn ngữ nhạc hàn lâm dành để diễn tả những cảm xúc rộng lớn và bao quát, những chủ đề có tính triết lý, trừu tượng cho một công chúng chọn lọc.

Ở Việt Nam, những gì đã theo khuôn mẫu châu Âu và điều gì khác biệt ? Bài viết sẽ điểm lại một cách vắn tắt tiến trình hình thành và trưởng thành của dòng âm nhạc hàn lâm Việt Nam trong vòng hơn nửa thế kỷ.


[

Những khúc dạo đầu Préludes

Lúc đầu, hoạt động âm nhạc phương Tây đã ghi dấu ấn bằng các buổi hòa nhạc dàn kèn nhà binh, bằng âm nhạc nhà thờ, bằng các đoàn hát opéra với mùa diễn và lịch diễn theo như mô hình đời sống sinh hoạt âm nhạc tại châu Âu thời đó mà Paris và Pháp là một trong những trung tâm phồn thịnh. Opéra Pháp với các thể loại khác nhau được mang sang Việt Nam từ cuối những năm 1880, “Những hoạt động này dành cho công chúng Pháp, để họ có thể thấy lại một phần của Paris trong thời gian làm công vụ xa xôi[1].  Hội khuyến nhạc (Société Philharmonique) Sài Gòn và Hà Nội lần lượt ra đời từ cuối thế kỷ XIX. Ba nhà hát dành cho sinh hoạt âm nhạc cổ điển được hoàn thiện tại Hải Phòng, Sài Gòn và Hà Nội ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX. Báo chí thời đó cho chúng ta rất nhiều thông tin về các café-concert, các buổi hòa nhạc kèn (fanfare), các buổi hòa nhạc với các nghệ sĩ tới từ châu Âu, các lớp dậy đàn, dậy ký xướng âm, các hiệu bán nhạc cụ và sách về âm nhạc châu Âu…

Chủ yếu dành cho người Pháp, ngay từ đầu thế kỷ XX âm nhạc cũng là một môn học được dậy trong các trường Pháp, trong danh sách giáo viên những trường này chúng ta luôn thấy có tên các thầy cô dậy xướng âm, dậy nhạc trong khi đó các trường cho học trò bản xứ (école franco-indigène) thì rất lâu sau này, tới đầu những năm 1930, mới thấy một vài dấu hiệu của việc giáo dục âm nhạc trong nhà trường. Trong các cơ sở tư, ở Hà Nội chúng ta có Institut Musical (Âm nhạc viện) đã có tham vọng dậy xướng âm, múa, lịch sử âm nhạc ngay từ năm 1913 và hoạt động cho tới đầu những năm 1940. Tại Sài Gòn, Ecole de musique (Trường nhạc) đã được Hội khuyến nhạc Sài gòn thành lập năm 1926 theo tin trong báo chí cùng thời và các tài liệu hiện được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2.

Đỉnh cao và biểu trưng của sự xâm nhập nhạc cổ điển hàn lâm châu Âu tại Việt Nam cần nói tới là sự ra đời của Nhạc viện Viễn Đông Pháp (Conservatoire Français d’Extrême-Orient – viết tắt là CFDEO) vào năm 1927 tại Hà Nội, đẩy hoạt động của Institut Musical lên một tầm mới. Là một cơ sở tư nhưng do Toàn quyền Đông Dương tài trợ toàn bộ, CFDEO đã có một quy mô không nhỏ với mục đích ưu tiên đào tạo các nhạc công bản xứ. Các nhạc sĩ, nhà sư phạm, nghệ sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Quang Duyệt, Phạm Huy Quỹ,… đã từng theo học tại nhạc viện. Nhạc viện đã phải đóng cửa vào năm 1930 vì nhiều lý do. Mặc dù chỉ tồn tại tương đối ngắn ngủi (1927-1930) nhưng đó là một sự xâm nhập tương đối có ý nghĩa trong tầng lớp tinh hoa của Hà Nội lúc bấy giờ, gieo những hạt giống đầu tiên của lực lượng nghệ sĩ, nghệ sĩ biểu diễn và khán giả Việt.

Sau khi Nhạc viện đóng cửa, một vài động thái để mở một nhạc viện mới đều không thành cho tới cuối thời Pháp ở Đông Dương, tuy nhiên, cơ sở truyền thống tiền thân của nó là Institut musical (Âm nhạc viện) vẫn tiếp tục hoạt động. Những thầy cô tại cơ sở này tiếp tục đào tạo được một số học trò bản xứ ưu tú, báo chí có đăng tin tức về nhiều buổi hòa nhạc từ thiện tại trụ sở các hội như Trí Tri (SEM), Khai Trí Tiến Đức (AFIMA) Hà Nội, với nhiều tên  người Việt thuộc con nhà thuộc tầng lớp trí thức quan lại thời bấy giờ. Hai cựu học trò violon và violoncelle của Nhạc viện Viễn đông là Phạm Huy Kỳ, Phạm Huy Quỹ đã tiếp tục theo đuổi mối đam mê của mình và tiếp tục học một thời gian tại Nhạc viện Toulouse nhưng khi về lại Việt Nam thì không tiếp tục hành nghề cho đến đầu những năm 1950.

Ở Sài Gòn, theo tài liệu hiện chúng tôi có được, một số cố gắng mở một nhạc viện quy mô vẫn chưa thành công. Năm 1933, sau nhiều năm học thầy giáo tư thục tại Sài Gòn, Thái Thị Lang (1915-2007) đã sang học piano và sáng tác tại nhạc viện Paris. Bà có quay lại Việt Nam một giai đoạn ngắn, sau đó bà theo chồng sang Pháp tiếp tục học tập, cho ra đời những tác phẩm đầu tiên viết cho piano. Bản Tết Nguyên Đán soạn cho piano và dàn nhạc giao hưởng của Thái Thị Lang dưới tên tác giả Louise Nguyễn Văn Tỵ được trình diễn ở Paris, Pháp vào tháng 1/1953[2] và sau đó được thu với dàn nhạc Lamoureux do Henri Tomasi chỉ huy vào năm 1955[3]. Những tác phẩm âm nhạc thính phòng này mới được giới nhạc Việt Nam khám phá lại mấy năm gần đây. Sau đó, em bà là Thái Thị Liên cũng theo bước chân chị sang Pháp học piano.

Tháng 3 năm 1938, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên, thành viên người Việt duy nhất của Hội khuyến nhạc Sài Gòn đã được Toàn quyền Đông Dương thời đó là Pagès nhận tài trợ một chuyến “hành trình văn nghệ » từ Nam ra Bắc. Ông đã lồng mục đích chính của chuyến đi để tuyên truyền và cổ động cho tân nhạc. Tân nhạc ở đây được hiểu là những bài hát được sáng tác mới, cả lời và nhạc, bởi một nhạc sĩ Việt Nam, khác với truyền thống truyền miệng và sáng tạo tập thể của âm nhạc dân gian.  Cùng năm đó, những bài hát đó, trong đó có Kiếp hoa của ông đã được in trên báo Ngày Nay[4]. Được viết trên giấy nhạc năm dòng kẻ theo kiểu châu Âu, những những bản nhạc được in này có thể coi là sự khai sinh dòng Tân nhạc Việt Nam trên văn bản.

Vào cuối nhưng năm 1930 cho đến 1945, thời hoàng kim của nhạc tiền chiến, một số ban nhạc người Việt ra đời, sinh hoạt âm nhạc thành thị bắt đầu phát triển. Các nhạc sĩ đã cho ra đời hàng trăm ca khúc, một số bài hát được soạn thành một số bản nhạc không lời[5].

Sau khi giành độc lập, trong cuộc kháng chiến dài 9 năm ta có sinh hoạt âm nhạc trong vùng tạm chiếm và ngoài chiến khu, âm nhạc vang lên khắp nơi, những học trò cũ của CFDEO hoặc của các trường tư tiếp tục đàn, hát, sáng tác. Hai trường nhạc tư Âm nhạc học xá (Lưu Quang Duyệt) và Đại Chúng (Phạm Đức Cẩn và phu nhân Nguyễn Thị Mỹ Hảo) là những cái nôi đầu tiên của đào tạo âm nhạc Việt Nam do người Việt mở vào đầu những năm 1950[6].

Cho đến thời điểm ấy, vì để đáp ứng nhu cầu thưởng thức đương đại, chủ yếu sáng tác và biểu diễn đều là ca khúc. Giai đoạn tiếp theo trong cuộc chiến tranh chống Mỹ chúng ta có thêm sinh hoạt nhạc ở miền Nam với hai phân nhánh, âm nhạc ở vùng giải phóng và âm nhạc ở dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa chủ yếu ở thành thị, cũng đa phần là ca khúc.

Ở miền Bắc, ngoài sự phát triển theo cấp số nhân của ca khúc, chúng ta đã ghi nhận sự bắt rễ và phát triển mạnh mẽ của thể loại âm nhạc hàn lâm (khí nhạc, hợp xướng, ca khúc nghệ thuật romance) theo khuôn mẫu châu Âu kể từ cuối những năm 1950 trở đi.

Sự ra đời và phát triển của âm nhạc hàn lâm Việt Nam

Vào đầu những năm 1950, ở miền Bắc Việt Nam đã có một thời khắc tương đối đặc biệt. Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, nhờ sự hợp tác văn hóa với cộng đồng quốc tế, song song với việc bảo tồn và phát triển trên âm nhạc truyền thống, nhà nước Việt Nam đã quyết định lựa chọn hướng phát triển nền âm nhạc Việt Nam trong tương lai bằng cách chuyên nghiệp hóa trên chuẩn mực của nền âm nhạc hàn lâm châu Âu, nhằm xây dựng một nền âm nhạc Dân tộc – Hiện đại, phù hợp với tâm hồn người Việt và mở ra thế giới, tạo nên bước ngoặt quan trọng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Theo đó, trên cơ sở các thỏa thuận về hợp tác văn hóa với các nước, ngay từ năm 1954, một số nhạc sĩ Việt Nam đã được gửi đi đào tạo tại các nhạc viện ở nước ngoài. Năm 1956, Trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Học viện Âm nhạc Quốc gia ngày nay) ra đời với lực lượng giảng dậy bao gồm chủ yếu những nhà sư phạm, nhạc sĩ, nhạc công có từ thời Pháp cùng với sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài, đánh dấu một mốc trong đào tạo.

Ở Hà Nội, sự tồn tại sẵn có của Nhà Hát Lớn do người Pháp để lại có thể được coi là một thuận lợi lớn, nó đã trở thành căn nhà của hoạt động âm nhạc cổ điển từ những ngày trứng nước. Năm 1959, công đoạn biểu diễn được cụ thể hóa bằng sự thành lập Dàn nhạc Giao hưởng đầu tiên của Việt Nam, tiền thân của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam ngày nay. Tiếp theo đó, Đoàn ca nhạc Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, Đoàn ca múa Tổng cục chính trị và nhiều đoàn văn công, ca múa cũng đã đạt được những trình độ biểu diễn được ghi nhận từ đầu những năm 1960.

Nhạc sĩ Hoàng Vân chỉ huy dàn nhạc Đài tiếng nói Việt Nam tại phòng thu của Đài đầu những năm 1960. Ảnh tư liệu gia đình.

Năm 1960, các nhà soạn nhạc đầu tiên tốt nghiệp về âm nhạc cổ điển châu Âu tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh (Trung Quốc) về nước cống hiến. Với những kiến thức mới thu lượm được và kỹ năng được tích lũy qua thời gian đào tạo, cảm hứng của những nhà soạn nhạc ấy đã được nhân lên gấp bội trong hoàn cảnh lịch sử thấm đẫm khí thế hào hùng và bừng bừng lòng yêu nước của cả một dân tộc đang sẵn sàng đổi mạng sống của mình để bảo vệ nền độc lập tự do, thống nhất đất nước. Môi trường độc nhất vô nhị ấy đã sản sinh ra những thành tựu đáng kinh ngạc. Chỉ hơn 20 năm sau ngày một ca khúc Việt Nam được viết trên năm dòng kẻ được in, những tác phẩm giao hưởng Việt Nam đầu tiên đã vang lên: các bản giao hưởng thơ Thành đồng Tổ quốc của Hoàng Vân (1960)[7], Lửa cách mạng của Trần Ngọc Xương (1961)[8], Giải phóng Điện Biên (1961) của Hoàng Đạm, bản liên khúc giao hưởng 3 chương Miền Nam tuyến đầu (1963) của Chu Minh, từ Bắc Kinh về[9], và tiếp đến là liên khúc giao hưởng 4 chương Quê hương của Hoàng Việt, tốt nghiệp tại Nhạc viện Sô-phi-a, Bun-ga-ri (1964), cùng một số tác phẩm của các nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Trọng Bằng, Đàm Linh… Đây là lần đầu tiên chúng ta có được một lớp nhà soạn nhạc được đào tạo bài bản về âm nhạc hàn lâm một cách chính quy, toàn diện.

Chúng tôi có may mắn được tham khảo tờ chương trình của buổi biểu diễn một số tác phẩm âm nhạc hàn lâm Việt Nam vào ngày 2 và 3 tháng 9 năm 1961 do nghệ sĩ dương cầm Trần Trung Cường còn lưu giữ. Chưa tìm được bản thu, nhưng khi nghiên cứu trang “Biên chế dàn nhạc” trong tổng phổ bản giao hưởng Thành đồng Tổ quốc của Hoàng Vân, chúng ta thấy rằng lúc đó Dàn nhạc giao hưởng của ta đã có đầy đủ bốn bộ chính là dây, hơi đồng, hơi gỗ và gõ. Mỗi bộ có số nhạc cụ đủ cho cung bậc từ độ cao đến độ trầm : bộ dây (violon, viola, cello, contrebasse), bộ hơi gỗ bao gồm piccolo, flute, clarinette, hautbois (oboe), bộ hơi đồng có trompette, trombonne, cor, tuba, bộ gõ với piatti, tambouro, trống lớn, trống timpani, tức là biên chế đầy đủ của một dàn nhạc chính quy với 50 – 60 nghệ sĩ đã chơi trong buổi biểu diễn này.  

Sự ra đời của những tác phẩm này đã hoàn chỉnh hệ sinh thái cho một nền âm nhạc hàn lâm chính quy, bao gồm các công đoạn biểu diễn, đào tạo và sáng tác, hoàn thiện sự khai sinh nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam. Hệ sinh thái này sẽ được bổ xung bằng công đoạn phê bình và nghiên cứu kể từ cuối những năm 1970 trở đi để đánh dấu sự thăng hoa và phát triển ấy. Và trong vòng hơn nửa thế kỷ, các nhà soạn nhạc Việt Nam đã cho ra đời hàng ngàn tác phẩm với cấu trúc âm nhạc cổ điển châu Âu nhưng lấy nguồn cảm hứng từ âm nhạc truyền thống Việt Nam. Công tác đào tạo nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn, nhà lý luận, chỉ huy dàn nhạc trong nước và nước ngoài đã được triển khai trên diện rộng, kéo theo các hoạt động biểu diễn, thu thanh, xuất bản.

Những điều đã làm được

Sau hơn nửa thế kỷ, chỉ đơn giản nhìn quanh ở Đông Nam Á, Nam Á là những đất nước mà nhạc hàn lâm cổ điển không phải là truyền thống âm nhạc lâu đời, không phải nước nào cũng đã có được một hệ sinh thái hoàn chỉnh (sáng tác, đào tạo, biểu diễn, nghiên cứu) như Việt Nam đã làm được ngay từ những năm 1960.

Vào đầu thế kỷ XXI, sinh hoạt nghệ thuật hàn lâm ở đất nước ta có nhiều điểm tích cực, cơ sở của hai Nhạc viện lớn là Học viện Âm nhạc Quốc gia tại Hà Nội và Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh được đầu tư khang trang, với số lượng dàn nhạc giao hưởng khá trội và chương trình biểu diễn liên tục, đa dạng. Nhạc sĩ Trọng Bằng, trên cương vị Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam lúc đó, nhận định vào năm 2007 « …Nhiều cuộc xuất ngoại của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia đi biểu diễn ở Trung Quốc, Thái Lan va tham gia Liên hoan các dàn nhạc giao hưởng Châu Á tại Tokyo (9-2004)… »[10]. Cũng đã hình thành một công chúng của âm nhạc cổ điển.

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch, ảnh trích trong bài báo của Viettimes

Nhạc trưởng Lê Phi Phi. Ảnh Vietnamnet

Tuy nhiên, nếu như các công đoạn biểu diễn và đào tạo là để chứng tỏ tài năng biểu diễn, thấm nhuần phần lý thuyết tiếp thu được từ nền âm nhạc cổ điển châu Âu, thì sự đặc sắc của dòng âm nhạc hàn lâm Việt chính là các tác phẩm của các nhà soạn nhạc Việt Nam. Minh chứng sự vô tận của sáng tạo, trong những tác phẩm này những chất liệu âm nhạc cổ truyền (nhịp điệu, âm điệu, sắc thái, triết lý, và thậm chí nhạc cụ…) được các phương tiện biểu hiện của truyền thống hàn lâm châu Âu nâng lên một tầm vóc mới và ngược lại, những tinh hoa của nền âm nhạc này đã được các nhà soạn nhạc Việt Nam vận dụng vào tư tưởng phương Đông một cách tinh tế.

Qua những công trình nghiên cứu, luận văn, luận án, sách của các nhà nghiên cứu đã công bố, đặc biệt trong cuốn Âm nhạc thính phòng giao hưởng Việt Nam của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Nhung[11], trên chặng đường nửa thế kỷ của tác phẩm âm nhạc hàn lâm Việt chúng ta có thể thống kê cả ngàn tác phẩm hàn lâm, trong đó có hơn một trăm bản giao hưởng. Các nhà soạn nhạc đã sáng tác tất cả các thể loại từ concerto đến khí nhạc solo, từ ballade đến thơ giao hưởng, từ ballet đến opérette, từ ca khúc nghệ thuật đến tổ khúc giao hưởng nhiều chương không quên những bản hợp xướng vô cùng hoành tráng… Phần lớn các nhà soạn nhạc cho ra đời những tác phẩm giao hưởng và thính phòng sau khi tốt nghiệp sáng tác nhưng rất nhiều người tiếp tục sáng tác tựa như một thôi thúc của sự sáng tạo bên cạnh ca khúc.

Một đặc điểm nổi bật của âm nhạc hàn lâm Việt Nam là có sáng tạo nhiều thể loại, hình thức, ngôn ngữ mới được phát triển bởi nhu cầu thưởng thức của công chúng, chẳng hạn như sự phát triển đặc biệt của thể loại hợp xướng, hay việc sáng tạo ra những hình thức biểu hiện hoàn toàn mới như các tác phẩm thanh khí nhạc của Hoàng Vân[12]. Là một tác giả mà số lượng ca khúc nổi trội quá quen thuộc với công chúng, các tác phẩm hàn lâm của ông ít được nhắc tới hơn, ít người biết ông là tác giả của một trong những bản giao hưởng thơ đầu tiên của Việt Nam vào năm 1960. Đây là trường hợp phổ biến cho nhiều nhạc sĩ, nhà soạn nhạc vì công chúng chỉ biết đến tỉ lệ áp đảo của các ca khúc được hát, do các tác phẩm hàn lâm không được phổ biến mà chỉ được biết trong giới chuyên môn. Chưa kể tới trường hợp là nhiều nhà soạn nhạc gần như chỉ chuyên sáng tác nhạc thính phòng và giao hưởng mà công chúng thật ít biết tới như Nguyễn Văn Nam (9 bản giao hưởng), Lê Khiêm, Minh Khang, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Xinh, Phan Ngọc, Trần Ngọc Xương, Trí Thanh, Trần Trọng Hùng, Nguyễn Thị Nhung, Thụy Loan… và danh sách còn thật dài.

Vào năm 2007, nhạc sĩ Trọng Bằng tổng kết trong cùng tài liệu : “Từ năm 1999, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã cố gắng triển khai và thực hiện việc sử dụng tiền hỗ trợ của Nhà nước và công việc hỗ trợ sáng tác cho các hội viên một cách nghiêm túc, công khai và có hiệu quả. Đến nay Hội đã ký hợp đồng hỗ trợ sáng tác với 385 lượt người, gồm có : 19 tác phẩm lớn (symphonie, opéra ballet, tổ khúc giao hưởng, cantate, oratorio, concerto nhạc cụ và dàn nhạc v.v…), 122 tác phẩm loại trung bình (giao hưởng thơ, ouverture, rhapsodie, ballade v.v…), 209 tác phẩm loại nhỏ (ca khúc và romance, tiểu phẩm nhạc cụ v.v…), 34 công trình lý luận phê bình, nghiên cứu, sưu tầm loại lớn, trung bình và nhỏ. Tính từ năm 2000 đến 2004, chúng ta đã tặng giải thưởng cho hàng trăm tác phẩm và công trình nghiên cứu lý luận âm nhạc, bao gồm : 75 công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình, 66 tác phẩm khí nhạc lớn nhỏ, 197 tác phẩm thanh nhạc (gồm ca khúc, romance và hợp xướng)[13].

Như vậy là tới những năm cuối của thế kỷ trước, các nhạc sĩ Việt Nam vẫn tiếp tục có nguồn cảm hứng, có tài năng để cống hiến cho thể loại âm nhạc đỉnh cao của thế giới. Từ đầu thế kỷ XXI, với sự phát triển của các công cụ với trí tuệ nhân tạo, tình thế đã thay đổi nhiều. Liệu những nhà soạn nhạc ấy có phải là những “người cuối cùng của bộ lạc Mohican” hay không ? C’est possible ! (Rất có thể) !

Thay lời tạm kết

Để tóm tắt, trong lịch sử âm nhạc thế giới, các tác phẩm giai đoạn cổ điển đích thực của các nhạc sĩ Đức-Áo mà đại diện là Haydn, Mozart, Beethoven… đã đặt nền móng cho hệ thống tư duy, hình thức và ngôn ngữ âm nhạc và phương thức biểu hiện của nhạc cổ điển hàn lâm từ giữa thế kỷ XIX. Từ đó, nền âm nhạc này đã lan tỏa trước hết là ở châu Âu, sự lan tỏa này có những cách xâm nhập khác nhau tùy vào hoàn cảnh lịch sử của mỗi quốc gia. Lịch sử âm nhạc thế giới đã ghi nhận thành tựu sáng tạo của các trường phái Nga, Bun, Phần Lan và Bắc Âu, Hung, Ba Lan, Tiệp, Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha… đẫm hồn văn hóa truyền thống của mỗi nước tạo nên những phong cách mới.

Ở châu Á, vì không có truyền thống văn hóa và tôn giáo gần gũi với hệ thống tư duy châu Âu nên nhạc cổ điển châu Âu đã xâm nhập muộn hơn. Mặc dù mọi sự so sánh đều chỉ là tương đối, chúng ta đã có thể nhìn nhận rằng các nhà soạn nhạc Việt Nam cũng đã tạo nên một phong cách hoàn toàn mới và các tác phẩm Việt Nam đã góp phần làm giàu thêm tài sản của nền âm nhạc hàn lâm thế giới.

Đã có một Dòng âm nhạc hàn lâm Việt Nam. Có thể nói dòng nhạc này chính là chiếc cầu nối của hai hệ thống tư duy, của hai truyền thống văn hóa. Dòng âm nhạc ấy đã biết chiết xuất tinh hoa của âm nhạc truyền thống Việt Nam để biểu hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc cổ điển thế giới. Ngoài những giá trị về xã hội và lịch sử tại Việt Nam, chính ngôn ngữ phổ quát của âm nhạc hàn lâm cổ điển châu Âu đã đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa văn hóa âm nhạc Việt ở nước ngoài, cho phép các nghệ sĩ trên thế giới có thể biểu diễn, cho phép công chúng yêu âm nhạc cổ điển trên thế giới có thể tiếp cận nền âm nhạc Việt Nam một cách dễ dàng nhờ ngôn ngữ biểu hiện toàn cầu.

Biểu diễn Hồi tưởng, đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng. Sáng tác Hoàng Vân. Hợp xướng Hợp Ca Quê Hương, Lĩnh xướng Vũ Thắng Lợi, Dàn nhạc nhạc viện Rouen (Pháp), Chỉ huy Claude Brendel, 31/3/2019, hội trường của Trụ sở UNESCO, Paris, Pháp

Đường dẫn https://www.youtube.com/watch?v=qEjsq5HcJLg

***

Bạn yêu nhạc thân mến,

Quyền uy lớn nhất của âm nhạc giao hưởng là có tác động khủng khiếp tới cảm xúc con người. Bởi nguồn gốc ra đời trong thế giới tôn giáo và quý tộc ở châu Âu, là biểu tượng của sự chuyên nghiệp và tài năng (virtuosité), thể loại âm nhạc này thường được hiểu nhầm là âm nhạc của giới tinh hoa quý tộc nhưng thật ra âm nhạc giao hưởng không phải là thứ khó khăn tiếp cận đến thế. Khi các bạn xem một bộ phim, vở kịch, hoạt cảnh có nhạc hay rất thường xuyên đó là do dàn nhạc giao hưởng chơi. Các dàn nhạc giao hưởng cũng có những động thái tới gần khán giả bằng cách phối khí nhiều ca khúc, romances (tình ca) quen thuộc, chơi những bản nhạc độc tấu với giai điệu nhiều người biết đến… Với sự phát triển ngày nay của kỹ nghệ âm nhạc và giải trí trên nền tảng số, việc tiếp cận ấy lại càng dễ dàng hơn bao giờ hết cho bất cứ ai. Khán thính giả “ngoại đạo” chỉ cần chịu khó học hỏi một chút, tìm nghe những tác phẩm trên mạng, đi nghe hòa nhạc một số lần là có thể tự trang bị cho mình khả năng thưởng thức một món ăn tinh thần thuộc hàng cao lương mỹ vị, tinh hoa của văn hóa nhân loại. Thật là tiếc nếu như những người yêu nhạc chỉ vì hơi ngại ngần đẩy cánh cửa của học hỏi mà bỏ lỡ dịp thấm nhuần được một niềm đam mê trong tầm tay với. Và tôi cũng muốn kiên trì nhắc lại, nghe nhạc giao hưởng không loại trừ các đam mê nhạc khác của các bạn, tâm tư nào bạn sẽ chọn được âm nhạc hợp cho mình lúc đó, các bạn ạ !

Paris, ngày 18/9/2022


[1]

1] TS Âm nhạc học Lê Y Linh là cộng tác viên nghiên cứu của Viện nghiên cứu Lịch sử Hiện đại và Đương đại, Paris, Pháp (IHMC-ENS), thành viên Hội Dân tộc học Âm nhạc, Pháp (SFE). Lĩnh vực nghiên cứu chính: Hát văn và Hầu bóng, nhà soạn nhạc Hoàng Vân, Lịch sử Âm nhạc Việt Nam. Vì lý do bản quyền nên chủ yếu ảnh minh họa trong bài được lấy trong tư liệu gia đình của tác giả.

[2] Kleinen, J., “Théâtre et Empire, Le théâtre français en Indochine pendant la Belle Époque (1890-1914)”. Revue d’histoire du théâtre, 264, 435-442, tr. 435, 438

[2] René Dumesnil, « La fête du Têt » (Tết Nguyên đán), báo Le Monde, Thế giới, ngày 22/1/1953, đường dẫn https://www.lemonde.fr/archives/article/1953/01/22/la-fete-du-tet_1971659_1819218.html#:~:text=Mme%20Louise%20Nguyen%20Van%2DTy,a%20%C3%A9t%C3%A9%20donn%C3%A9%20ce%20dimanche, truy cập ngày 27/4/2020

[3] Louise Nguyen Van Ty, Tết Nguyên Đán, Tableaux symphoniques pour piano principal, (Tranh giao hưởng cho piano và dàn nhạc). Piano : Louise Nguyen Van Ty, Orchestre des Concerts Lamoureux (Dàn nhạc Concerts Lamoureux), chỉ huy Henri Tomasi, Philips A 77.402, ca. 1955, đường dẫn https://www.youtube.com/watch?v=ShtnVTbiln0, truy cập ngày 27/4/2020

[4] Nhiều tác giả, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2000, 100 tr.

[5] Nguyễn Thị Nhung, Âm nhạc thính phòng giao hưởng Việt Nam: Sự hình thành và phát triển, tác phẩm và tác giả, Viện Âm nhạc, Hà Nội, 2001, 412 tr., tr. 17-40

[6] Lê Y Linh, “Đào tạo âm nhạc ở Việt Nam đầu thế kỷ XX (1900-1954) : Những khúc Préludes của Học Viện Âm nhạc Việt Nam ngày nay”, Tập san Nghiên cứu Âm nhạc số 62, Hà Nội, 2021, tr. 71-101; in lại trong Chuyện người Hà Nội tập II, nhiều tác giả, Nhà xuất bản Hà Nội, Hà Nội, 2021, tr. 251-268

[7] Lê Y Linh, Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau, Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội, 2022, 265 tr.

[8] Lê Y Linh, sách đã dẫn

[9] Thế Bảo, Lịch sử Âm nhạc Việt Nam, NXB Thanh niên, TP Hồ Chí Minh, 2017, 564 tr., tr. 302

[10] Trọng Bằng, “Vì một nền âm nhạc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, Tự hào nửa thế kỷ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hà Nội, 2007, tr. 660

[11] Nguyễn Thị Nhung, sách đã dẫn.

[12] Thụy Loan, “Hoàng Vân, đôi nét khắc họa”, trong cuốn Hoàng Vân, Nhạc và Đời, Viện Âm nhạc (nhiều tác giả), Nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, 2022, 446 tr., tr. 191-254. Theo tác giả Thụy Loan, thanh khí nhạc là những tác phẩm mà dàn nhạc và dàn hợp xướng đóng vai trò biểu hiện ngang nhau chứ không phải là dàn nhạc đóng vai trò “đệm” cho hợp xướng.

[13] Trọng Bằng, tài liệu đã dẫn, tr. 660

Advertisement
This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s